Tuyendung.com.vn
Thế nào là người phụ nữ thành đạt?
Cập nhật: 6/4/2012 8:12:00 AM
Năm 2005, Đài truyền hình Nhật Bản chọn ca sĩ Thanh Thảo là một trong hai người "phụ nữ Việt Nam thành đạt" trong năm, trước khi cô khai trương Andy beauty spa không lâu.
Danh hiệu này, theo Thanh Thảo, không phải là một giải thưởng mà chỉ đơn thuần là chương trình giới thiệu về một vài phụ nữ Việt Nam có những thành công nhất định trong cuộc sống bằng chính thực lực, sự thông minh và sáng tạo của bản thân.

Tuy nhiên, tiêu chí bình chọn vừa hiện đại, vừa truyền thống của một cơ quan thông tấn xứ Phù Tang đã khơi mào cho nhiều cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề thế nào là một "phụ nữ thành đạt?"

Thành... nhưng không đạt

Trong thực tế, có nhiều phụ nữ được xã hội đánh giá là thành đạt, thậm chí là cực kỳ thành đạt. Nhưng, phần lớn trong số họ, sự thành đạt dường như không song hành cùng hạnh phúc. Chị Kim Oanh, phường 6 quận 3, Tp.HCM là một trường hợp như vậy. Gia đình chị quen nền nếp xưa nên khi lấy chồng, chị chỉ biết chăm lo cho gia đình chồng.

Chồng chị là trưởng phòng thị trường của một công ty chế biến thực phẩm; anh em ruột đều định cư ở nước ngoài. Thu nhập của chồng, cộng với tiền hỗ trợ của các anh chị gửi về phụ chăm sóc mẹ, hàng tháng chị có toàn quyền tiêu xài thoải mái ở mức 1.000 USD mà không cần phải suy nghĩ lo lắng. Bạn bè ai cũng khen chị là sướng như tiên. Ấy vậy mà một hôm, người ta thấy chị cắp sách đến trường để lấy bằng cử nhân. Lời ra tiếng vào, người khen kẻ chê, chị đều bỏ ngoài tai. Bốn năm cần mẫn đã qua, cầm tấm bằng cử nhân khoa học loại giỏi trong tay. Chị Oanh vẫn chưa bằng lòng.

Một phần, chị học để thay đổi tình trạng quanh quẩn suốt ngày ở nhà, phần khác học để làm gương cho con và chồng, nhằm củng cố địa vị. Ở cơ quan chồng, hiện đang có nhiều người trẻ giỏi hơn, khả năng thay thế và vượt qua chồng là điều có thể thấy trước. Chi dự tuyển lớp master theo dạng du học tại chỗ. Ngày dự lễ tốt nghiệp, chỉ có đứa con gái mang hoa lên tặng mẹ. Bằng thạc sĩ loại ưu đã khiến nhiều trường đại học cùng lúc mời chị thỉnh giảng, rồi chị chính thức trở thành chủ nhiệm khoa của một trường đại học lớn ở Tp.HCM. Chị Oanh tràn ngập hạnh phúc với những lời ca tụng hoa mỹ như thông minh, sắc sảo, cầu tiến... và thu nhập của chị cũng tăng lên nhiều so với lúc ở nhà chồng nuôi.

"Chuyện gì đến đã đến". Vị thẩm phán xét xử vụ ly hôn của vợ chồng chị Oanh đã ngậm ngùi kết luận: "Trên đường đi, ai đứng lại là người đó thụt lùi. Người chồng không bằng lòng khi người vợ cứ "liên tục phát triển" đường học hành, thăng tiến. Hòa giải suốt mấy tháng, chúng tôi đã làm hết cách, vì xét mâu thuẫn giữa hai người chẳng có gì trầm trọng. Nhưng họ vẫn quyết tâm chia tay".

Đạt nhưng có... thành không?

Nhìn gara khổng lồ có tên Dũng Liên 3 án ngự chễm chệ ngay cổng vào thị xã Tây Ninh, ai cũng bảo vợ chồng Nguyễn Văn Dũng - Nguyễn Ngọc Liên thành đạt.

Năm 1980, do nhà nghèo, cậu bé Dũng 16 tuổi, bỏ học giữa chừng để theo chú Bảy thợ máy ở gara Mã Lâm - gara lớn nhất Tây Ninh - phụ tháo ốc vít, chùi bugi, xả nhớt máy, rà xú bắp... Tám năm sau, Dũng xin sư phụ "hạ sơn" để mở riêng cho mình một gara sửa xe nho nhỏ.

"Sư phụ" không những gật đầu mà còn ngoắc Dũng lại nói nhỏ: "Tao có bốn đứa con gái, mày chịu đưa nào tao gả cho". Dũng đã..."chip" Ngọc Liên, đứa con gái được chọn làm "truyền nhân" của thầy Bảy. Đám cưới diễn ra đơn sơ, chủ yếu là để ra mắt dòng họ đôi bên. Ra riêng, gia tài khởi nghiệp của đôi vợ chồng trẻ chỉ có đôi nhẫn cưới 2 chỉ vàng 18, cùng mớ đồ nghề cờ lê, mỏ lết và tám năm học nghề. Vợ chồng thuê miếng đất trũng, cất chòi lá cao để làm nơi... bơm hơi vá ép là chủ yếu.

Năm 1991, cha vợ mất, cái chỗ "kinh doanh" ăn theo tiếng tăm "chú Bảy thợ máy" cũng lâm vào hoàn cảnh bi đát. Chị Liên lại sinh thêm đứa con thứ hai. Khó khăn chồng chất khó khăn. Gia tài lúc này chỉ còn đôi nhẫn cưới. Anh Dũng quyết định mang ra hiệu cầm đồ, rồi lại chuộc, chuộc rồi lại cầm, đến lần thứ 4 vợ chồng quyết định bán luôn vật kỷ niệm duy nhất đó. Nhưng nghèo vẫn không buông tha. Túng quá hoá liều. Vợ chồng mang luôn chiếc cup 78, tài sản có giá trị nhất trong nhà, đi cầm, vừa làm vốn vừa làm kinh phí xuống thành phố học nghề chính quy.

Kinh nghiệm cộng với kiến thức được học và lòng quyết tâm, 10 năm sau, người ta thấy xuất hiện gara Dũng Liên hoành tráng với số lượng xe đời mới, đời cũ đậu chật ních bên trong để chờ bảo trì, đại tu, hoặc làm đồng sơn mới... với hệ thống trạng bị sửa chữa ô tô khá hiện đại. Vợ chồng cô thợ máy năm nào giờ trở thành giám đốc công ty TNHH thương mại và du lịch Dũng Liên với hàng chục thợ học nghề. Căn chòi lá vùng trũng giờ trở thành ngôi biệt thự bề thế, xinh xắn nằm ngay nhánh Bắc sông Vàm Cỏ Đông, căn nhà mới mua ở Tp.HCM để cho cậu con trai học tại một trường dân lập nổi tiếng và gần 10 mẫu cao su sắp thu hoạch.

Với khối tài sản như thế, chị Liên bảo: "Tôi có được xem là một phụ nữ đúng chuẩn thành đạt không tôi cũng không biết. Nhưng thành thì có thể khẳng định rồi đấy. Vợ chồng đồng tâm, hiệp lực, sát cánh bên nhau, nhìn con cái lễ phép, học hành đến nơi đến chốn, sự nghiệp do chính mình xây dựng thì còn muốn gì hơn".

Thành đạt = Thành + đạt

Mới đây, có lẽ muốn đồng hành cùng chương trình "phụ nữ thế  kỷ 21" của đài truyền hình Việt Nam, Tạp chí Sức sống mới  đưa ra bảng khảo sát với 9 câu hỏi lượng giá về mức độ quan trọng của các yêu cầu về người phụ nữ thế kỷ 21: 1/ Dám nghĩ, dám làm. 2/ Có học vấn và hiểu biết. 3/ Bản lĩnh, quyết đoán. 4/ Đảm đang, khéo léo. 5/ Có định hướng cho sự nghiệp nhưng gia đình vẫn là nền tảng. 6/ Độc lập trong công việc và cuộc sống. 7/ Duyên dáng trong cử chỉ và lời nói. 8/ Giàu tình cảm và biết quan tâm chia sẻ. 9/ Có tinh thần cầu tiến.

Bảng khảo sát khá tiêu biểu cho một chuẩn mới của người phụ nữ, nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến vấn đề "tay hòm chìa khoá" rất truyền thống của người phụ nữ. Chính vì vậy, khi nghe hỏi về người phụ nữ thành đạt, chị Hani Thuận Thị Trụ, chủ cơ sở hàng thổ cẩm Chăm rất nổi tiếng, đã im lặng hồi lâu như để tìm cách diễn đạt cho chính xác. Chị Trụ chỉ học lớp 1 được 3 tháng, rồi cha bắt ở nhà chăn trâu. Lớn lên tự học chữ để trở thành cán bộ phòng giáo dục huyện và ước mơ trở thành nhà văn. Khi lấy chồng, không cam chịu nghèo khổ, vợ chồng chị phải làm đủ thứ nghề để nuôi sống mình và các con.

Có một khoảng thời gian dài làm ăn thất bại, trắng tay, tài sản bán sạch vì buôn bán không gặp thời, cho nên có được một sự nghiệp ngày hôm nay, với nhiều người, kể cả chị Trụ, đã không còn gì để phàn nàn. Chị bảo, bây giờ khi đã trở thành một nữ doanh nhân nổi tiếng, tài sản có được gấp ngàn lần thuở ban đầu, đi nước ngoài như đi chợ, nhưng nếu chỉ ngần ấy thôi chị vẫn chưa cho mình là một người phụ nữ thành đạt mà chỉ có thể gọi là thành công trong làm ăn mà thôi.

Vậy với chị thế nào là thành đạt?. Chị Trụ nhìn vàp tập album ảnh của vợ chồng, chỉ cho tôi xem một vài bức ảnh của một người đàn ông trán trợt, đang nhoẻn miệng cười tại các hội nghị quốc tế, rồi bảo: "trong đời này, may mắn tôi có anh Sara (chồng chị), anh là niềm tự hào của dân tộc Chăm quê tôi, không có anh thì văn hóa Chăm ít người biết đến. Cho nên nghĩ đi nghĩ lại mình dẫu không giàu có, nhưng được và giữ được một người chồng đầy đủ trách nhiệm với gia đình, vợ con, theo tôi người phụ nữ đó mới thực sự thành đạt".

Suy nghĩ khá đơn giản của chị Thuận Thị Trụ làm nhiều người liên tưởng đến một sự kiên bất ngờ cách đây chưa lâu. Một hôm, trên nhiều kênh thông tin, truyền miệng có, chính thức có, rằng: đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc chuẩn bị lên xe hoa ở tuổi... 50. Thông tin ấy được khẳng định thêm, có sự xác nhận chính thức của chị. Nhiều người còn nhớ, năm 2004, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc được bầu chọn làm nhân vật tiêu biểu cho sâu khấu kịch. Tại thời điểm ấy, có thể nói, sự nghiệp của chị được khẳng định và được công chúng đánh giá là một người phụ nữ thành công. Nhưng những ai quen chị, biết chị đều thừa nhận ở con người danh phận rõ  ràng ấy có một nụ cười như sắp khóc và có một đôi mắt buồn.

Với bạn bè thân thiết, Minh Ngọc tâm sự chân thành: "Trên 50 tuổi rồi mà chưa lập gia đình, tôi không nghĩ đến nó nữa, đôi lúc tôi muốn đi tu, và muốn chăm sóc cho những đứa cháu của mình". Rõ ràng, ở chị thành công trong sự nghiệp không phải là đích đến cuối cùng, điều quan trọng hơn, như chị nói: "Trước khi là đạo diễn, nhà văn, biên kịch, nhà giáo, diễn viên... tôi là một phụ nữ, một con Người". Cho nên, khi tìm được nửa kia của mình, chị mới cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của niềm hạnh phúc thành đạt...

Hoá ra, khái niệm người phụ nữ thành đạt trong xu thế hiện đại vừa đơn giản vừa phức tạp, mà theo cách nói ngắn gọn của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban dân vận Thành uỷ Tp.HCM là: "Thành công trong sự nghiệp nhưng phải đạt được hạnh phúc gia đình". Mái ấm gia đình - nghe có vẻ cũ, không hiện đại, nhưng vẫn luôn là thước đo để công nhận sự thành đạt của người phụ nữ trong bất kỳ xã hội nào.

Theo Phụ nữ

Viewed: 17195