“Trật đường ray” trên con đường sự nghiệp, dù chỉ
thỉnh thoảng, cũng là cơn ác mộng với những nhân viên có chí tiến thủ
cao. Làm thế nào để bảo đảm những tình huống “trật chìa” đó không xảy ra
với bạn?
Nghiên cứu của Michael Lombardo, nhà sáng lập của Tập đoàn tư
vấn chiến lược Longminger Limited của Mỹ, đã đưa ra sáu tình huống “trật
đường ray” thường thấy. Nếu bất cứ trường hợp nào sau đây giống với
những gì bạn đang gặp phải, bài viết sẽ giúp bạn tìm được vấn đề mình
cần giải quyết:
1. Bất đồng với lãnh đạo cấp cao
Dĩ nhiên đây là điều cấm kỵ, cho dù quan điểm của bạn có đúng
mười mươi đi nữa cũng vậy. Những ai thà chọn chứng minh rằng mình không
sai mà bỏ qua cơ hội thăng tiến thì luôn luôn có được điều mình muốn –
tức bạn đúng và... bạn dậm chân tại chỗ.
2. Gặp vấn đề khi xây dựng nhóm làm
việc
Bạn cần phải khéo léo trong việc phát hiện những người có thực
lực. Tuy nhiên, bạn cũng cần nhanh chóng xây dựng nhóm làm việc sao cho
đảm bảo tính đa dạng, phát triển nhân tài và làm cầu nối giúp các nhân
viên làm việc hòa hợp và hiệu quả.
3. Khó khăn
khi phát triển quan hệ công việc
Nếu mọi người không muốn lại gần bạn, dù chỉ là xã giao, thì
công việc bạn đang gặp rắc rối thật sự. Bắt nạt đồng nghiệp yếu thế, hay
tỏ vẻ xa lánh dưới hình thức nào đi nữa đều đưa đến cùng một kết quả:
phá tan con đường sự nghiệp của bạn.
4. Không thực thi đúng hẹn và đúng
chất lượng
Khi bạn thường xuyên quên thực hiện những cam kết hay lời hứa
của mình và không chú ý đến các chi tiết dù chỉ
là nhỏ nhặt, mọi người trong công ty sẽ nhận ra và đặt dấu chấm hỏi to
tướng rằng có nên giao cho bạn những chuyện hệ trọng để rồi bạn lại
quên, lại thiếu sót hay không.
5. Vấn đề khi chuyển từ cấp làm
việc lên cấp hoạch định
Đây là tình huống mà các kỹ sư hay các chuyên viên kỹ thuật
cấp cao hay “sẩy chân” và cảm thấy bản thân khó có thể vượt qua giới hạn
những gì họ biết về kỹ thuật để tiến tới tham gia vào lĩnh vực hoạch
định chiến lược – một đòi hỏi bắt buộc cho các vị trí lãnh đạo. Nếu bạn
đang hướng lên nấc thang sự nghiệp từ xuất phát điểm là chuyên viên kỹ
thuật, hãy tham khảo ý kiến cấp trên về kỹ năng hoạch định chiến lược
của mình và quyết định xem bạn có cần “nâng cấp” hay không.
6. Lầm tưởng rằng những điều khác,
chứ không phải là thực lực, có thể đưa bạn tới đích đến trong sự nghiệp
Nếu bạn ỷ y rằng mình có sếp lớn chống lưng, có người quen ủng
hộ, hay tài năng bẩm sinh của mình trước sau cũng “hữu xạ tự nhiên
hương”, thì đôi lúc suy nghĩ đó sẽ khiến bạn lười nhác và chẳng thể nào
nhặt được sung cho dù trái đã rụng. “Tôi biết tôi sẽ lên chức kỳ này vì
các lãnh đạo cộm cán đều đứng về phía tôi” – nếu bạn nghĩ như thế và cho
rằng mình là ngôi sao trẻ đang lên thì có thể bạn đã lầm. Chính thực
lực mới là ngọn đuốc dẫn đường và chính bạn phải là người thắp sáng nó
để cấp trên nhìn rõ tài năng của bạn.
Nếu những trường hợp trên đây không phải là khó khăn hiện tại
của bạn hiện giờ nhưng bạn vẫn cảm thấy mình đang “trật chìa” trong công
việc, hãy tham vấn đồng nghiệp hoặc bạn thân. Chọn những người thân
thiết với bạn và sẵn sàng cho bạn những góp ý thật lòng và quý giá, bạn
sẽ có thể điều chỉnh bản thân dựa trên những phản hồi này.