Sau 6 năm ra trường, tôi "nhảy việc" tới 4 công ty và
giờ đây có mức lương tương xứng của một giám đốc khu vực. Còn bạn tôi
vẫn trung thành công ty cũ thì lương chỉ 20 triệu đồng/tháng.
Năm 2006, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, trường
ĐH Giao thông vận tải. Tôi cùng với người bạn xin được việc làm ở một
doanh nghiệp nhỏ với mức lương còm cõi là 2 triệu đồng/tháng. Được một
năm có kinh nghiệm, tôi xin vào một công ty nước ngoài làm với mức lương
nhỉnh hơn một chút là 3,2 triệu đồng.
Đến năm 2008, với sự cố gắng và chăm chi, tôi đã chứng
tỏ được năng lực của bản thân, được công ty bổ nhiệm lên vị trí chuyên
trách với mức lương là 4,5 triệu.
Năm 2009, tôi được công ty chuyển lên làm trưởng nhóm
bộ phận mới. Và mức lương của tôi cũng tăng thêm một triệu đồng. Năm
2010, công ty đưa tôi lên làm vị trí trưởng phòng. Mức lương của tôi lúc
này cũng chỉ là 6,5 triệu đồng/tháng.
Cuối năm đó, tôi làm đơn xin nghỉ việc, nhảy sang công ty khác làm vị trí chuyên viên cao cấp với mức lương là 15 triệu đồng.
Đến cuối năm 2011, tôi thấy một công ty tuyển nhân
viên quản lý khu vực với mức lương 40 triệu. Nắm bắt cơ hội này, tôi
viết đơn ứng tuyển và đã thi đậu.
Cuối năm 2012, kinh tế bắt đầu khủng hoảng, tôi tiếp
tục nhảy công ty lần thứ 4, vào làm vị trí giám đốc khu vực, mức lương
là 120 triệu đồng/tháng. Còn bạn tôi vẫn trung thành với công ty cũ,
hiện tại được làm giám đốc bộ phận với mức lương 20 triệu/tháng.
Tôi tính nhẩm, kể thời gian từ lúc ra trường đến nay
tôi đã kiếm được 1,6 tỷ đồng. Và cũng từng trải qua từ nhân viên thấp
quèn nhất đến vị trí giám đốc như hiện nay, tên tôi cũng hiểu được tâm
lý của người "nhảy việc".
Qua đó, tôi muốn chia sẻ với các bạn một điều: đâu
phải ai "nhảy việc" mà lương cũng thấp. Vì "nhảy việc" phụ thuộc vào
nhiều yếu tố: Thứ nhất là bản lĩnh của người nhảy việc vững vàng, dám
đương đầu với khó khăn. Họ tự tin vào năng lực của chính bản thân mình.
Những người dám tự nhảy việc là họ có suy nghĩ để tìm kiếm cơ hội và sự
thăng tiến bản thân cao hơn chứ không thể nào lầm vào cảnh sống lâu lên
lão làng được.
Mặt khác, chúng ta cũng cần phải có một góc nhìn khác
về vấn đề "trung thành" hay "nhảy việc" để mà biết "lựa cơm gắp mắm". Ví
dụ, bạn gặp phải một người chủ chi biết gom hết lợi nhuận về mình thì
dù bạn có làm hơn 20 năm cũng vẫn bị "vứt" thôi.