Chắc hẳn bạn đang lo lắng lắm và không tài nào cảm thấy lạc quan hay thoải mái
gì cả. Luôn có muôn vàn khó khăn trong buổi phỏng vấn và không phải ứng viên
nào cũng thể hiện xuất sắc. May mắn là, dù bạn phạm lỗi thì không có nghĩa bạn
rớt phỏng vấn. Phạm lỗi chỉ ra cho bạn thấy thư cảm ơn sau phỏng vấn cần hoàn
thành hai nhiệm vụ: bày tỏ lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng và cung cấp cho họ
thêm lí do vì sao họ nên tuyển bạn (hoặc chí ít vì sao họ nên cho bạn thêm cơ hội
phỏng vấn lần nữa).
Chân thành
Điều quan trọng là để nhà tuyển dụng
biết rằng buổi phỏng vấn không thể hiện hết năng lực đảm nhiệm vị trí ứng tuyển
của bạn. Thay vì nhai đi nhai lại những lỗi bạn mắc trong buổi phỏng vấn, hãy
đi vào trọng tâm vấn đề mà bạn muốn truyền tải thật rõ ràng và kết thúc bức thư
bằng một dòng đầy thuyết phục vì sao công ty nên tuyển bạn. Nếu bạn lo lắng những
gì bạn nói ảnh hưởng xấu đến bạn và trình độ năng lực của bạn, đừng sợ giải
thích lại và trình bày những điều bạn thực sự muốn nói.
Giải đáp cụ thể
Hãy giải đáp cụ thể hơn về một vấn
đề bạn chưa trả lời thấu đáo trong buổi phỏng vấn. Ví dụ, bạn có thể thừa nhận
rằng bạn đã lúng túng khi đề cập cách giải quyết xung đột với đồng nghiệp cũ và
chỉ đến khi ra khỏi phòng phỏng vấn, bạn mới biết mình nên trả lời thế nào.
Trong thư cảm ơn, bạn có thể liệt kê một số bước giúp bạn vượt qua những khác
biệt và hợp tác thành công với một đồng nghiệp có phong cách làm việc không-giống-ai.
Hãy đưa ra những chi tiết cụ thể và tránh viết dài dòng.
Đưa ra một lời hẹn gặp mặt
Trong thư cảm ơn, bạn có thể hỏi
nhà tuyển dụng liệu họ có sẵn sàng gặp bạn hoặc nhận điện thoại của bạn được
hay không. Điều quan trọng là khi đưa ra lời hẹn, hãy tôn trọng thời gian của
nhà tuyển dụng và chỉ nên hẹn gặp khi bạn thấy buổi phỏng vấn không đủ cứu vãn
tình hình “trượt vỏ chuối”. Cuối cùng, nếu bạn được nhà tuyển dụng đồng ý hẹn
nói chuyện 10 hoặc 15 phút, hãy chắc chắn bạn đã chuẩn bị trước và xuất hiện thật
thoải mái, thật tự tin.
Cư xử đúng mực
Dù xảy ra bất cứ chuyện gì, quan
trọng là bạn cần cư xử hòa nhà và giữ thái độ vui vẻ. Lần trượt phỏng vấn này
có thể là cơ hội để bạn mở ra những cánh cửa ứng tuyển khác. Thậm chí, bạn có
thể gặp lại nhà tuyển dụng cũ ở một công ty khác thì sao. Vậy nên, hãy luôn xử
sự khéo léo và tôn trọng thời gian của nhà tuyển dụng.
Dưới đây là bức thư mẫu bạn có thể
tham khảo:
Gửi anh/chị [tên nhà tuyển dụng],
Cám ơn anh/chị đã dành thời
gian tham dự buổi phỏng vấn với em. Em thực sự rất muốn được làm việc tại vị
trí [tên vị trí ứng tuyển] và có cơ hội làm việc chung với anh/chị.
Em gửi mail này để giải thích
rõ hơn về một phần trong buổi phỏng vấn. Em biết mình đã trả lời lúng túng khi
anh/chị hỏi em ví dụ dẫn dắt đội nhóm. Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, em mới
nhận ra mình chưa kể về nhóm marketing mà em quản lý trước đó. Em quản lý 6
thành viên ở các phòng ban khác nhau, nhằm đảm bảo các tài liệu trong công ty
được thiết kế tốt và nhận diện thương hiệu. Kết quả là các nhân viên trong công
ty rất hài lòng với tài liệu nội bộ của nhóm em.
Nếu có thể, em hi vọng sẽ có
cơ hội trò chuyện ngắn gọn với anh/chị về khả năng lãnh đạo ở vị trí em ứng tuyển
vào công ty. Liệu anh/chị có thể dành 10 phút nói chuyện với em vào tuần sau
không? Em rất sẵn sàng nhận điện thoại của anh/chị bất cứ lúc nào anh/chị thấy
thoải mái và hợp lý.
Một lần nữa, em cám ơn anh/chị
đã mời em tham gia phỏng vấn. Em thực sự rất thích trò chuyện với anh/chị và hi
vọng chúng ta có thể giữ liên lạc.
Thân ái,
[Tên bạn]
Kết
Dù bạn
quảng cáo bản thân tốt đến mấy trong buổi phỏng vấn, bạn vẫn có nguy cơ trượt
và thậm chí bạn không còn cơ hội cứu chữa sai lầm. Nếu bạn xui xẻo có một buổi
phỏng vấn tệ hại và không được nhận vào vị trí ứng tuyển, hãy chấp nhận những
phản hồi lịch sự từ nhà tuyển dụng và xem đó như một bài học cho lần phỏng vấn
tiếp theo. Bởi “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mà!