Ngày nay, sự phát triển của công nghệ đã giúp mọi người dù ở xa cũng có thể giao tiếp với nhau dễ dàng và nhanh chóng, không còn giới hạn ở hình thức gặp trực tiếp.
Dưới đây là 3 loại hình phỏng vấn “không trực tiếp” mà bạn có thể gặp khi đăng ký tuyển dụng:
Phỏng vấn qua điện thoại:
• Tránh những nơi mất tập trung: Bạn cần đảm bảo rằng cuộc gọi được thực hiện ở nơi yên tĩnh và riêng tư.
• Giọng nói dõng dạc: Khi phỏng vấn qua điện thoại, nhà tuyển dụng sẽ không thể “chấm điểm” tâm lý của bạn vì không nhìn thấy được những cử chỉ, nét mặt của bạn. Thay vào đó, họ sẽ chú ý tới giọng nói của bạn. Vì vậy, ngay khi nhà tuyển dụng trình bày xong ý của họ, bạn hãy bắt lời họ ngay, chẳng hạn: “Vâng, các khía cạnh của công việc này có vẻ rất phù hợp…”. Hãy giữ nhịp nói vừa phải và dứt khoát.
• Tìm kiếm “sự hậu thuẫn”: Hãy luôn để hồ sơ và lý lịch xin việc của bạn ở bên cạnh cùng với những thông tin về công ty đã tìm được. Bạn cũng có thể chuẩn bị trước một loạt các ý kiến hay câu hỏi định nói; chuẩn bị bút và một cuốn sổ nhỏ để ghi nhanh những ý cần nhớ.
Phỏng vấn qua hệ thống truyền hình ảnh:
• Thử tập dượt trước: Bạn hãy thử tạo ra một buổi phỏng vấn qua hệ thống truyền hình ảnh với bạn bè hay người nào đó trong gia đình. Sau đó ghi lại buổi phỏng vấn thử này và tìm ra những điều mà bạn cần cải thiện, chẳng hạn ánh mắt bạn lúc đó đã nhìn thẳng vào máy quay chưa, bạn đã ngồi đúng tư thế chưa...
• Kiểm tra máy móc trước khi phỏng vấn: Ngoài việc phải ngồi ở nơi yên tĩnh và thoải mái, bạn cần chú ý tới cả phần kỹ thuật của máy móc như kiểm tra hoạt động của máy quay, mic...
• Ăn mặc phù hợp: Lưu ý chọn lựa trang phục sao cho lịch sự và nhã nhặn.
Phỏng vấn qua chat:
• Ảnh avatar phải phù hợp: Phù hợp ở đây nghĩa là cần có tối thiểu 2 yếu tố: ảnh bạn và trang phục của bạn phải nghiêm túc.
• Thận trọng khi đánh máy: Khi phỏng vấn qua hình thức, này bạn cần sự tập trung cao để có thể “bắt nhịp” với nhà tuyển dụng. Không để lỡ bất cứ câu hỏi hay thông tin nào nhà tuyển dụng đưa ra. Thêm vào đó bạn cần chú ý kỹ năng đánh máy của mình, nhà tuyển dụng có thể bỏ qua cho một vài lần đánh máy nhầm của bạn nhưng nếu bạn liên tục mắc lỗi, họ sẽ đặt dấu hỏi về khả năng đánh máy của bạn.
Cho dù phỏng vấn theo bất kỳ hình thức nào, bạn cũng luôn nhớ phải gửi thư cảm ơn tới người đã phỏng vấn bạn.