Bạn mới tốt nghiệp ra trường, chưa hề đi làm. Bạn sẽ phản ứng thế nào khi đọc một thông báo tuyển dụng đúng với mong muốn của bạn, nhưng kèm theo là điều kiện "có kinh nghiệm”?
Chắc chắn bạn sẽ do dự, không dám gửi hồ sơ vì nghĩ rằng mình không thể cạnh tranh nổi với những người có kinh nghiệm. Tuy nhiên bạn sẽ suy nghĩ lại qua hai câu chuyện mà người viết chứng kiến dưới đây.
Trong một kỳ phỏng vấn, một sinh viên sắp tốt nghiệp đã chứng minh một cách thuyết phục rằng thời gian đi dạy kèm suốt 3 năm đại học đã cung cấp cho bạn kinh nghiệm sống, làm việc đủ để phát huy và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nếu trúng tuyển.
Trước sự tò mò của hội đồng phỏng vấn, sinh viên này đã chứng minh: để có thể cùng một lúc hoàn thành việc học rất nặng nề và phải đi dạy nhiều nơi để đủ tiền trang trải cuộc sống, đòi hỏi bạn phải biết cách sắp xếp thời gian, phân bổ công việc, thiết lập các mục tiêu ưu tiên thật khoa học và hợp lí. Kế đến là một chương trình quản lí tài chính cá nhân đã được bạn lên kế hoạch nhằm sử dụng hiệu quả nhất khoản thu nhập không nhiều hằng tháng.
Khi được hỏi vì sao có thể luyện tập được một phương pháp trình bày lưu loát và logic như vậy, bạn cho biết khoảng thời gian đứng lớp trước nhiều học sinh đã rèn luyện cho bạn. Ngoài ra, để tạo thêm giá trị cho bản thân, ứng viên này cũng đưa ra nhiều ví dụ thú vị từ quá trình làm việc nhóm khi còn đang học… Kết quả là bạn đã vượt qua rất nhiều ứng viên khác có kinh nghiệm 1 - 2 năm hoặc các ứng viên có điểm học lực cao hơn, được nhận vào làm việc tại công ty.
Một ứng viên khác cũng là sinh viên lại thuyết phục nhà tuyển dụng theo cách khác. Bạn cho biết đã tự bỏ tiền túi lập một sạp báo nhỏ buổi sáng cho sinh viên trong trường và chứng minh rất hay rằng đó cũng là một sự khởi nghiệp, đòi hỏi bạn có sự đầu tư, lập kế hoạch, quản lí chi tiêu, cách thức tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả... Và kết quả là công việc kinh doanh nho nhỏ này đã nuôi sống bạn một thời gian dài.
Qua hai câu chuyện trên, bạn có thể thấy những điều bình thường, thoạt nghe có vẻ đơn giản lại đóng vai trò rất quan trọng khi bạn đi phỏng vấn. Nó có thể giúp bạn vượt qua các "đối thủ" dày dạn kinh nghiệm, bước chân vào công ty mình mơ ước, hưởng một mức lương kha khá với cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở...
Nếu bạn đang và sắp là một ứng viên, ngay từ bây giờ bạn hãy trang bị cho mình những “vũ khí” đơn giản nhưng hiệu quả này. Bạn cần suy nghĩ cẩn trọng, liệt kê ra những gì bản thân mình có, bản thân mình làm, chắc chắn trong đó có rất nhiều điểm là lợi thế của bạn mà nhà tuyển dụng quan tâm. Hãy tự tin và tận dụng lợi thế đó để "ghi điểm" với họ.
Nếu bạn đang còn là một sinh viên, đừng ngại ngần chọn cho mình những công việc làm thêm dù là đơn giản; tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khóa trong trường lẫn bên ngoài. Đặc biệt các dự án nhỏ, làm việc nhóm ngay trong lớp học là cơ hội tốt đến bạn rèn luyện bản thân.
Tất cả sẽ là một “kho tàng kinh nghiệm” lớn mà bạn hoàn toàn có thể khai thác để "chinh phục" nhà tuyển dụng!