Không ít lần bạn chứng kiến sếp đưa ra những
thông tin hoặc ý kiến rõ ràng là “sai mười mươi” – bạn sẽ chọn cách im
lặng hay “lật tẩy” sếp? Liệu bạn đã lường trước được “hậu quả” của một
trong hai lựa chọn này?
Ông Ed Muzio, tác giả của hai quyển sách nổi tiếng Make Work Great và Four Secrets to Liking Your Work,
cho biết, “Trên lý thuyết, những người thông minh thích các ý kiến trái
ngược và những cấp trên có tầm nhìn đều muốn nghe mọi khía cạnh của vấn
đề. Nhưng trong thực tế, có mâu thuẫn giữa “chính trị” công sở và tính
quyết đoán cần thiết khi ra quyết định kinh doanh.” Vì thế, dân công sở
nào cũng có khúc mắc khi chạm đến vấn đề này.
Cái giá của sự im lặng
Thông
thường bạn sẽ chọn cách “im lặng là vàng” vì không đụng chạm ai, như
Muzio chỉ rõ, “Nếu không có gì ảnh hưởng hay thay đổi đặc biệt cho dù
bạn có ‘vạch’ lỗi của sếp hay không thì lựa chọn của bạn là hợp lý.
Không cần thiết phải ‘càm ràm’ về một quyết định mà bản thân nó không
thể được làm khác đi. Nếu bạn lên tiếng, ngay lập tức bạn sẽ bị gắn mác
‘kẻ phá bĩnh’, ‘chơi xấu’ vì bạn chỉ chăm chăm vào việc làm rõ ‘đúng
sai’ chứ không nhìn thấy bước kế tiếp của vấn đề.”
Tuy
nhiên, trong một số trường hợp, khi việc chỉ ra đúng sai có thể giúp
tránh được những hậu quả đáng tiếc từ quyết định thiếu chính xác ngày
hôm nay, lựa chọn im lặng có thể là sai lầm. Theo ông Matthew Randall,
Giám đốc điều hành Trung tâm Hướng nghiệp của đại học Pennsylvania,
“Đôi khi ý kiến sếp bạn đưa ra không hợp lý vì sếp không có đủ thông
tin cần thiết nên có cái nhìn chưa toàn vẹn. Nếu bạn có hiểu biết về
lĩnh vực đó, dù là có sẵn báo cáo chuyên ngành hay nguồn tin không chính
thức trong tay, bạn cũng nên chia sẻ riêng với sếp – thà sớm còn hơn
muộn.”
Một
mối nguy khác của sự câm lặng chính là sếp của bạn có thể hiểu nhầm im
lặng tức là đồng tình. “Nếu sau đó hậu quả là quyết định của phòng ban
bạn sai lầm, ảnh hưởng kết quả hoạt động kinh doanh, bạn sẽ chịu một
phần trách nhiệm liên đới về thất bại đó. Còn nếu bạn “bằng mặt mà không
bằng lòng” để rồi làm khác với quyết định của sếp, bạn càng rơi vào
tình huống khó xử hơn”, theo bà Kerry Patterson, đồng tác giả quyển sách
bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times, Crucial Conversations.
Đâu là hướng đi?
Nếu
bản thân bạn không thích bị chỉ trích lỗi sai trước mặt người khác thì
sếp cũng vậy. Do đó, bạn nên gặp riêng sếp để trình bày vấn đề nếu bạn
thấy việc chỉ ra lỗi sai là cần thiết. “Sếp sai rồi” là một thông điệp
vô cùng khó khăn để truyền tải, do đó, bạn nên tập trung vào bản chất
của vấn đề và mục tiêu chung hơn là cảm giác thỏa mãn là bạn đã đúng.
Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn trong tình huống nhạy cảm này.
-
Khởi đầu cẩn trọng: Bạn
cần nói rõ sự tôn trọng dành cho sếp và ý định của mình. Hãy đảm bảo
sếp hiểu là bạn chỉ muốn đưa ra một khía cạnh mới của vấn đề, giúp công
ty đạt được mục tiêu chung. Bạn có thể nói chuyện theo kiểu mình mới
phát hiện ra một giải pháp khác, chứ không nên chăm chăm chỉ ra là sếp
sai lè rồi phân tích giải pháp của bạn mới là đúng.
-
Tập trung vào bản chất vấn đề: Không nên đưa ra phán xét hay kết luận chủ quan gì cả. Chỉ nên tập trung vào mục tiêu khách quan của bản thân quyết định đó.
- Hiểu rõ mục tiêu của bạn: Đôi
khi chúng ta mải mê đưa ra các vấn đề, hay hậu quả về một quyết định
của ai đó khiến người đó khó chịu, vì nó giống như “vạch lá tìm sâu”,
thiếu tính xây dựng. Trước khi tiếp cận sếp, hãy tự hỏi mình, “Thật sự
bạn muốn gì khi trình bày vấn đề này với sếp?”
- Bày tỏ sự đồng tình: Nếu
bạn có cách nhìn giống sếp về kế hoạch chung và bạn thấy chỉ cần lưu ý
cho sếp một vài điểm nhỏ, hãy bày tỏ sự đồng tình trước nhất, sau đó chỉ
ra vấn đề cần thiết. Đừng nên tập trung khai thác những chi tiết quá
nhỏ nhặt.
- Hỏi ý kiến sếp:
Sau khi trình bày, hãy khéo léo hỏi ý kiến phản hồi của sếp một cách
chân thành. Sếp cảm thấy được tôn trọng với tư cách là người quyết định
nên cũng sẽ đáp lại bạn bằng sự cởi mở.
Cuối
cùng, điều quan trọng nhất là bạn phải đảm bảo 110% là bạn đúng vì có
lúc cái nhìn của bạn cũng không được toàn diện hoặc có những điều sếp
biết mà bạn không biết. Đừng để bạn rời khỏi phòng sếp trong tư thế
người thua cuộc và phát hiện ra mình mới chính là kẻ sai lầm.