Bắt lỗi 21 thói quen xấu xí trong buổi phỏng vấn
Cập nhật: 01/02/2018 10:12:00 SA

Những buổi phỏng vấn là cơ hội tuyệt vời để thể hiện một số phẩm chất chuyên nghiệp của bạn trong công việc. Khi những ánh nhìn của các nhà tuyển dụng đổ về phía bạn, ăn mặc luộm thuộm hoặc thể hiện tiêu cực thái quá sẽ trở thành điểm dễ nhận thấy nhất. Để giúp công sức chuẩn bị cho buổi phỏng vấn của bạn không đổ sông đổ bể, dưới đây là 21 lỗi phỏng vấn về hành vi và thói quen bạn nên tránh để chinh phục nhà tuyển dụng.

1. Không tìm hiểu về công ty

Các nhà tuyển dụng thường chú ý xem ứng viên có tìm hiểu về vị trí và công ty ứng tuyển, vì họ muốn biết liệu ứng viên quyết định ứng tuyển sau khi cân nhắc tình hình thực tế hay chỉ vì họ muốn thoát ra khỏi cơn khủng hoảng thất nghiệp.

2. Bỏ qua bữa sáng

Trong tiếng Anh, bữa sáng được gọi là breakfast, nghĩa là breaking the fast (phá vỡ sự nhịn ăn). Sở dĩ bữa sáng có ý nghĩa như này vì khi chúng ta ngủ dậy, tức là chúng ta đã nhịn ăn trong khoảng 10 đến 12 tiếng. Khi đó, lượng đường trong máu ở mức độ thấp dẫn đến tình trạng khó tập trung, mệt mỏi, dễ bực bội, thiếu kiên nhẫn. Nếu bạn không muốn mang một tâm trạng xấu xí như vậy vào buổi phỏng vấn, bạn nhất định phải ăn sáng nhé.

3. Hút thuốc và uống rượu

Nếu bạn không muốn nhà tuyển dụng ngửi thấy mùi thuốc lá trên người bạn, vậy thì bạn đừng hút thuốc. Uống rượu cũng là một ý tưởng tồi vì rượu giúp xoa dịu thần kinh nhưng nó cũng làm suy giảm các giác quan và gây trì trệ đầu óc.

4. Chậm trễ

Một lỗi phỏng vấn dễ khiến nhà tuyển dụng cáu nhất đó chính là đến trễ hẹn. Nếu bạn đến muộn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là kẻ vô trách nhiệm, không nghiêm túc, và không tôn trọng thời gian của họ. Cho nên bạn phải làm mọi cách để ngăn mình không được đến muộn trong buổi phỏng vấn. Tốt nhất nên đến sớm khoảng 15 phút. Nếu bạn thấy mình đến sớm hơn dự kiến, hãy giết thời gian bằng cách rẽ vào quán cà phê hoặc đi dạo loanh quanh thay vì chạy đi gặp nhà tuyển dụng. Bởi vì khi bạn đến quá sớm, bạn sẽ làm thay đổi lịch trình của nhà tuyển dụng và điều đó khiến họ khó chịu.

5. Ngoại hình cẩu thả

Nếu bạn muốn nhà tuyển dụng tập trung vào những gì bạn nói thay vì nhăn mũi bịt miệng trước mùi cơ thể của bạn, tốt nhất bạn nên tắm rửa và chải chuốt một chút trước khi đến tham dự phỏng vấn.  Ngoài ra, ngoại hình sạch sẽ, thơm tho của bạn cũng ngầm phát đi tín hiệu bạn là người chỉn chu và cẩn thận trong công việc, hoặc chí ít khu vực làm việc của bạn rất sạch sẽ và gọn gàng.

6. Trang phục không phù hợp

Đôi khi, ăn mặc quá trang trọng có thể tiết lộ rằng… bạn chẳng tìm hiểu gì về văn hóa công ty. Bởi như câu nói, hãy mặc trang phục theo yêu cầu của công việc. Nếu bạn thi công chức vào một cơ quan Nhà nước, bạn cần diện đồ công sở. Nếu bạn ứng tuyển vào một công ty quảng cáo truyền thông, chiếc áo với dòng chữ “I don’t care” hoàn toàn được chấp nhận.

7. Nhắn tin

Đến sớm là tốt. Nhưng hãy cẩn thận vì trong khoảng thời gian đợi phỏng vấn, bạn có thể vô tình tạo ra những ấn tượng không mấy thiện cảm. Điển hình là ngồi nhắn tin sẽ làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và trông như thể bạn đang trôi đến thế giới khác. Đa phần trong các phòng chờ thường bày sẵn tạp chí và sách nhỏ giới thiệu công ty. Tốt nhất bạn nên rút một cuốn ra đọc và biết đâu bạn sẽ tìm hiểu được thêm điều gì đó thú vị về công ty.

8. Trang điểm nơi công cộng

Mang theo túi nhỏ đựng đồ trang điểm là một ý hay. Tuy nhiên, thay vì ngồi tô lại lớp son, chải lại mái tóc ở giữa nơi đông người, bạn nên đến trước buổi phỏng vấn vài phút và trang điểm lại trong phòng vệ sinh.

9. Mang quá nhiều thứ

Tất cả những gì bạn nên mang là cặp đựng giấy tờ và bản sao sơ yếu lí lịch. Những thứ còn lại là không cần thiết. Tốt nhất nên để chai nước ở ngoài xe và cho điện thoại (đã để chế độ yên lặng) vào trong túi để dễ dàng bắt tay người phỏng vấn.

10. Đắc tội với… nhân viên lễ tân

Nói điều gì không phải với nhân viên lễ tân có nguy cơ khiến buổi phỏng vấn của bạn tan thành mây khói. Vì nhân viên lễ tân thường được xem là “tai mắt” của công ty và rất có thể những lời bạn nói với họ sẽ được chuyển thẳng đến giám đốc nhân sự. Tương tự, liên tục hỏi họ có chắc chắn người phỏng vấn biết rằng bạn đã tới hoặc khen ngợi họ bằng những câu thiếu tế nhị cũng khiến bạn trượt phỏng vấn ngay từ “vòng gửi xe”.

11. Quá thân mật

Trong buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh, trước khi giới thiệu bản thân, bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng “How do you do?” thay vì nói “Hey, what’s up?”. Nói chuyện quá mức thân mật sẽ không giúp bạn tạo ấn tượng tốt đẹp đâu.

12. Thái độ tiêu cực

Nếu bạn nghi ngờ khả năng của bạn hoặc chỉ nghĩ đến kết quả xấu nhất, nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn là một ứng viên có nhiều năng lượng tiêu cực. Tương tự, bạn không được nói xấu về sếp, đồng nghiệp hoặc cấp dưới trong quá trình phỏng vấn. Dù sếp và công ty cũ của bạn tai tiếng thật thì phỏng vấn không phải là thời gian để bạn xả cơn lũ tức giận. Một thái độ tồi, quá kiêu ngạo thường bị nhầm lẫn là sự tự tin. Tốt nhất bạn nên bước vào buổi phỏng vấn với sự tự tin thật sự, khiêm tốn, luôn mỉm cười và thể hiện nhiệt huyết của bản thân.

13. Quá đòi hỏi

Đặt câu hỏi là một phẩn quan trọng của buổi phỏng vấn. Việc đó thể hiện bạn đang tham gia buổi thảo luận, đồng thời giúp bạn quyết định được liệu công việc và công ty này có phù hợp với bạn hay không. Tuy nhiên, những câu hỏi như “Ngày lễ có được thưởng hoặc tăng lương không ạ?” hoặc “Anh/chị đánh giá thành công như thế nào?” sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn là mẫu nhân viên chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân.

14. Chia sẻ quá sâu

Mục đích của buổi phỏng vấn là gây ấn tượng với công ty bằng tài năng và kinh nghiệm cá nhân. Nhưng hãy chú ý đến việc chia sẻ quá mức vì nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu về bạn hơn mức cần thiết. Để tránh tình trạng này, tốt nhất bạn nên tuân theo nguyên tắc vô cùng đơn giản: chỉ chia sẻ những chuyện liên quan. Không kể lại tuổi thơ ấu. Không nhấn mạnh đến nơi ăn chốn ở. Và đặc biệt không nhắc đến những giao dịch đã bị hủy bỏ (deal breaker) trong công việc trước. Thay vào đó, bạn nên lắng nghe và cho nhà tuyển dụng một cơ hội để họ hỏi về bạn.

15. Sử dụng từ ngữ khiếm nhã

Bạn chắc hẳn rất vui mừng khi được phỏng vấn cùng với những nhà tuyển dụng hàng đầu, nhưng buột miệng thốt ra những từ ngữ khiếm nhã sẽ khiến bạn sớm dừng chân trong quá trình phỏng vấn. Khi bạn nói năng bất lịch sự, nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy bạn là người không có khả năng giữ bình tĩnh và suy nghĩ cẩn trọng để xử lí tình huống trong công việc. Sử dụng ngôn ngữ tục tĩu hoặc thiếu chính xác không chỉ là một thói quen xấu, mà ở trong môi trường công sở, nó cũng được coi là hành động thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, hãy hết sức tránh lỗi phỏng vấn này để hình ảnh của bạn trong mắt nhà tuyển dụng đẹp hơn.

16. Xấu hổ và nhút nhát

Căng thẳng trong buổi phỏng vấn là chuyện có thể hiểu được, nhưng một khi đã tham dự phỏng vấn, bạn chắc chắn sẽ không muốn đưa ra câu trả lời nôn nóng, không đầu không cuối. Phỏng vấn, nhìn chung liên quan đến việc nói về bản thân, và những người nhút nhát thường bị hiểu nhầm là những người thiếu an toàn hay thậm chí không đủ năng lực. Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn, bạn hãy tin rằng họ muốn bạn đưa ra câu trả lời có suy nghĩ. Vì vậy, đừng ngần ngại dừng một chút trước khi trả lời.

17. Ngắt lời người nói

Ngắt lời người nói thể hiện bạn là một người thiếu tôn trọng đối phương, thiếu sự phán đoán tình huống và dễ mất kiên nhẫn. Tương tác giúp bạn lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng, còn ngắt lời sẽ khiến bạn bay thẳng vào danh sách đen ngay tức khắc.

18. Mắc sai lầm trong ngôn ngữ cơ thể

Mắc sai lầm trong ngôn ngữ cơ thể bao gồm không tương tác bằng mắt, không mỉm cười và tư thế phỏng vấn không đẹp. Những thói quen như nghịch chìa khóa, rung chân và gãi đầu cũng được liệt kê vào danh sách này. Hãy nhớ rằng, lời bạn nói cũng quan trọng như cách bạn nói. Thông qua ngôn ngữ cơ thể, bạn hãy cố gắng truyền tải đến người thực hiện phỏng vấn rằng bạn vui mừng thế nào khi được trao cơ hội cạnh tranh trúng tuyển vào vị trí bạn muốn.

19. Nói dối

Theo cuộc khảo sát của trang CareerBuilder, 69% nhà tuyển dụng nói rằng chỉ cần ứng viên nói dối, họ sẽ đánh trượt ứng viên đó ngay lập tức. Trước khi gửi thư mời làm việc, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ kiểm tra lại thông tin về quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc và liên lạc với những người trong mục tham khảo. Vì vậy, họ rất dễ bắt quả tang những lời nói dối hay phóng đại của bạn trong buổi phỏng vấn. Đừng dại dột khiến mình mất đi cơ hội trúng tuyển nhé.

20. Quá nôn nóng

Những câu hỏi như “Em trúng tuyển rồi chứ?” chỉ khiến nhà tuyển dụng thấy bạn dường như đang cố gắng khỏa lấp sự tuyệt vọng và túng thiếu. Vui mừng trước cơ hội trúng tuyển là tốt, nhưng bạn sẽ không muốn bản thân xuất hiện trong tình trạng “đói khát” việc làm đâu. Thêm nữa, những câu hỏi như vậy thể hiện rõ sự vụng về của bạn khi đặt nhà tuyển dụng vào tình huống khó xử.

21. Xao nhãng

Khi đứng trước nhà tuyển dụng, dù buổi phỏng vấn thế nào, bạn cũng không nên bộc lộ ra tâm trạng muốn buổi phỏng vấn mau mau kết thúc. Điều đó sẽ khiến bạn xao nhãng và nhà tuyển dụng sẽ ngầm hiểu rằng bạn chẳng mảy may quan tâm đến công việc hoặc bạn là người thiếu tập trung khi trả lời hết sức hời hợt.

Interview.vn

Đã xem: 2585


Bài liên quan
Ba câu nên hỏi khi bị từ chối tăng lương (11/04/2019 8:36:00 SA)
40 câu hỏi phỏng vấn "hại não" nhất mà Apple đặt ra cho các ứng viên (07/11/2018 8:12:00 SA)
Câu hỏi phỏng vấn phổ biến về phong cách làm việc (16/10/2018 10:19:00 SA)
5 điều "làm khó" nhà tuyển dụng (28/08/2018 8:54:00 SA)
Các chiến lược chung để duy trì nhân viên (28/08/2018 8:53:00 SA)
Không khuất phục trước những câu hỏi phỏng vấn “ngớ ngẩn” (27/06/2018 8:57:00 SA)
Chuyển bại thành thắng buổi phỏng vấn bằng thư cảm ơn (29/03/2018 8:29:00 SA)
Viết email xác nhận thư mời phỏng vấn sao cho chuẩn chỉnh? (29/03/2018 8:25:00 SA)
Lời khuyên dành cho ứng viên trong suốt buổi phỏng vấn (23/03/2018 8:46:00 SA)
“Hại não” với 15 câu hỏi phỏng vấn xin việc từng xuất hiện (01/02/2018 10:17:00 SA)
Việc làm tại Công ty hàng đầu
Kết nối số
Công ty TNHH Acquy GS Việt Nam
NIC GROUP
Cong ty moore
cong ty Investip
Cong ty HB
Công ty Quốc huy
Công ty CP Viễn Thông FPT
NIC HR
Emirates Jobs